Bệnh viện Kiến An - Khám chữa bệnh tất cả các ngày trong tuần - Chúng tôi luôn luôn nỗ lực để mang đến cho người bệnh "Sự phục vụ hoàn hảo" nhất.
 
KHOA TIM MẠCH BỆNH VIỆN KIẾN AN TRIỂN KHAI KỸ THUẬT MỚI: TIÊU SỢI HUYẾT
Thời gian – Yếu tố quyết định trong điều trị đột quỵ não cấp
Đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh lý tim mạch và ung thư, và là nguyên nhân phổ biến nhất gây tàn phế vĩnh viễn ở các nước công nghiệp hóa. Các di chứng do đột quỵ thường gặp như liệt nửa người, co cứng cơ, loét tì đè, mất ngôn ngữ giao tiếp, giảm trí nhớ, trầm cảm, mất khả năng lao động,… đòi hỏi sự hỗ trợ thường xuyên từ người thân và nhân viên y tế. Điều này để lại gánh nặng to lớn cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. (Bài viết này tập trung đề cập đến đột quỵ nhồi máu não, các thể đột quỵ khác xin được chia sẻ ở các bài viết khác).
Đột quỵ nhồi máu não là gì?
Đột quỵ nhồi máu não là bệnh lí xảy ra khi não bị tổn thương do dòng máu nuôi tế bào não bị tắc nghẽn, thường là do cục máu đông. Khi đó tế bào não bị thiếu oxy và bắt đầu chết, theo đó chức năng của vùng não chết sẽ mất dần, dẫn đến người bệnh đột ngột bị mất các chức năng cơ bản như vận động, ngôn ngữ, ý thức.
Bệnh lí nào thường dẫn đến đột quỵ não?
Các bệnh lí như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh tim loạn nhịp, cùng với thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, lối sống ít vận động, sử dụng chất kích thích, gây nghiện,… là những yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ. Vì vậy cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ này để giảm đột quỵ lần đầu cũng như đột quỵ tái phát.
Các dấu hiệu nhận biết người bệnh bị đột quỵ?
Người bệnh đột ngột xuất hiện các dấu hiệu như yếu liệt tay chân cùng bên, nói khó, méo miệng sẽ phải nghĩ đến bị đột quỵ não. Các triệu chứng khác như tê bì nửa người, chóng mặt, mất thăng bằng, nhìn đôi, mất thị lực đột ngột, đau đầu dữ dội, lú lẫn đột ngột,…cũng rất thường gặp ở bệnh nhân đột quỵ, cần chú ý để không bị bỏ sót. Rất nhiều bệnh nhân xảy ra các dấu hiệu trên nhưng chỉ thoáng qua, hồi phục rất nhanh, khoảng vài phút đến vài chục phút, làm người bệnh dễ dàng bỏ qua không đi khám bệnh mà không biết rằng các dấu hiệu đó dự báo bị đột quỵ nặng trong vài ngày đến vài tuần tới. 1 lưu ý là khi xảy ra các triệu chứng trên, người bệnh không nên tự xử trí ở nhà, vì có thể sẽ xử trí không đúng dẫn đến làm chậm trễ thời gian đến bệnh viện, thậm chí làm người bệnh nặng thêm.
Điều trị đột quỵ như thế nào?
Điều trị đột quỵ mục tiêu chính là tái lập dòng máu nuôi não (làm tan cục máu đông bằng thuốc hoặc lấy cục máu đông bằng dụng cụ cơ học), qua đó sẽ giúp phục hồi chức năng thần kinh cho người bệnh, hạn chế tàn tật. Để đạt được mục tiêu đó, vấn đề thời gian trong cấp cứu đột quỵ là quan trọng nhất, bởi “Time is brain – Thời gian là não”. “Cửa sổ vàng” để dùng thuốc làm tan cục máu đông trong cấp cứu đột quỵ là 4,5 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng với rất nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu và khuyến cáo của Hoa Kỳ, châu Âu, Hội đột quỵ Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay cửa sổ thời gian có thể mở rộng hơn khi kèm theo các tiêu chí hình ảnh học hiện đại, nhưng nếu bệnh nhân được điều trị sớm thì cơ hội phục hồi chức năng, đặc biệt là vận động vẫn tốt hơn là điều trị muộn. Hiện tại, số lượng bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện sớm trong cửa sổ vàng là rất thấp, chỉ < 5% tổng số bệnh nhân đột quỵ. Do đó, tỉ lệ bệnh nhân được điều trị đột quỵ cấp bằng thuốc tiêu huyết khối và can thiệp lấy huyết khối rất thấp. Điều này được lí giải do đa số người bệnh chưa hiểu được sự quan trọng của tính gấp rút về mặt thời gian trong điều trị đột quỵ. Ngoài vấn đề điều trị cấp, kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, tuân thủ thuốc chống đông trong rung nhĩ, giảm mỡ máu, giảm cân, ngừng hút thuốc, tăng vận động thể lực,… sẽ giúp ngăn ngừa đột quỵ tái phát.
Hiện tại, bệnh viện Kiến An đang triển khai kĩ thuật điều trị thuốc tiêu huyết khối trong nhồi máu cấp, với các bệnh nhân đột quỵ đến viện trước 4,5 giờ kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng. Bệnh viện đã điều trị thành công bệnh nhân đầu tiên, tiến hành điều trị thuốc tiêu huyết khối (Actilyse) cho bệnh nhân B.T.L 72 tuổi, được chẩn đoán Nhồi máu não cấp giờ thứ 2 (phút thứ 110)/Suy tim, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim cũ đã đặt stent mạch vành có triệu chứng liệt nửa người bên phải. Sau điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối, bệnh nhân được dự phòng tái phát đột quỵ bằng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc hạ mỡ máu, điều chỉnh huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Tim mạch, triệu chứng liệt đã cải thiện, bệnh nhân có thể tự đi lại được mà không cần hỗ trợ.
Cuối cùng, để đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ tàn phế do đột quỵ, người bệnh có triệu chứng đột quỵ cần đến bệnh viện có thể cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt, đặc biệt là trước 4,5 giờ kể từ khi khởi phát, để được hưởng lợi từ điều trị tiêu huyết khối đường tĩnh mạch và các điều trị cấp khác, bởi “Thời gian là não”.
View 663; Last Edit 21/06/2021 08:36
LIÊN KẾT

BỆNH VIỆN KIẾN AN

  • 35 Trần Tất Văn, Phù Liễn, Kiến An, Hải Phòng
  • 0395.612.612
  • bvka.vanthu@gmail.com

BẢN ĐỒ

FACEBOOK

 
logged_in_greeting="Gửi tin nhắn cho chúng tôi"